email icon hotro@diensach.com facebook icongoogle icon Tiếng Việt English

Vật tư và phụ kiện cần thiết để tự làm tấm Pin năng lượng mặt trời

Các vật tư cần chuẩn bị gồm: Cells, dây hàn nhỏ, dây hàn to, bút hàn, EVA, kính

Dụng cụ

Mỏ hàn, khò để làm chảy EVA (nếu không có thì dùng máy sấy tóc loại CS lớn), máy hút bụi để hút chân không



Cells:

Hiện nay thông dụng nhất gồm 3 loại cells: 3x6, 5x5, 6x6. Các đơn vị ở đây là inch (1 inch=2.54cm), nhưng các nhà sản xuất thường làm thêm viền nên kích thước thực tế sẽ lớn hơn. VD cells 3x6 quy đổi ra mm là 76,2mm x 152,4 mm nhưng họ thường làm kích thước là 80mm x 156mm, cells 6x6 kích thước là 156mm x 156mm. Vì vậy khi tự làm tấm Pin năng lượng mặt trời các bác cần lưu ý để cắt kính khỏi bị hụt.

Các thông số của cells cần chú ý gồm có: Công suất tối đa Pmax ở điều kiện tiêu chuẩn có nhiệt độ 25 độ C và ánh sáng 1000 Lumen, dòng ngắn mạch Isc, dòng tại điểm công suất lớn nhất Ipm, điện áp hở mạch và điện áp tại điểm công suất lớn nhất Vpm. Các bạn cần lưu ý các thông số đo dòng ngắn mạch và điện áp hở mạch nên chỉ để tham khảo vì đã chập mạch và hở mạch thì lấy đâu ra công suất, cái cần quan tâm là các thông số: công suất lớn nhất tại điều kiện tiêu chuẩn, dòng Ipm và điện áp Vpm. Công suất tối đa của tấm PIN bằng tổng Pmax của các cells cộng lại. Hiện nay giá cells cũng khá rẻ so với trước đây, nhưng ngoài tiền bỏ ra mua cells thì các bạn còn phải mua các phụ kiện khác như: kính, dây hàn to & nhỏ, EVA … nên cũng cần cộng tổng các chi phí tất cả các vật tư và chia cho tổng công suất để xem mình phải chi phí mất bao nhiêu tiền/W để xem hiệu quả đầu tư.

Dây hàn: 

Gồm 2 loại dây hàn nhỏ (tab) và dây hàn to (BUS).

- Dây hàn nhỏ dùng để hàn nối tiếp các cells với nhau. Vì cells năng lượng mặt trời rất mỏng như tờ giấy nhưng lại giòn như bánh đa, mặt trên chỗ hàn chỉ là 1 lớp bột mầu trắng nên khi hàn nếu không cẩn thận sẽ gây vỡ cells hoăc bung đường hàn. Vì vậy chỉ nên dùng đúng loại dây chuyên dụng cho hàn cells, tuyệt đối không thay thế bằng loại khác.

- Dây hàn to dùng để hàn nối các chuỗi cell với nhau (BUS). Nên dùng dây hàn này để đảm bảo thẩm mỹ và giảm tổn hao công suất trên dây (không có dây hàn to thì dùng tạm bằng cách có thể chập 3 dây hàn nhỏ)

Bút hàn: 

Là loại hóa chất có Flux dùng để bôi vào các đường hàn trên cells để khi hàn dây hàn có thể bám tốt vào cells. Không nên dùng các loại khác như nhựa thông thay thế vì sẽ bị dây bẩn ra bề mặt cells dẫn đến làm giảm ánh sáng chiếu vào cells --> giảm công suất. Ngoài ra nếu sử dụng chất liệu khác thì việc hàn khó khăn hơn nhiều.

Keo EVA: 

EVA là từ viết tắt của Ethylene Vinyl Acetate Copolymer, là hợp chất giữa Ethylene và Acetate. EVA được sử dụng trong lĩnh vực năng lượng mặt trời từ rất lâu, đến nay không thể thiếu trong tấm Pin chuẩn của các nhà máy. Nếu sử dụng EVA khi làm Pin năng lượng mặt trời keo EVA được đặt cả ở trên và ở dưới cells sau đó dùng nhiệt (dùng khò trực tiếp vào keo hoặc dùng lò hấp) làm keo chảy ra làm cells được bao bọc kín trong keo. Các ưu điểm của việc sử dụng EVA như sau:

- Tăng hiệu suất Pin: Chỉ cần đặt tấm kính lên trên cell mà chưa có bất kỳ loại keo nào thì hiệu suất bị giảm 15-20% so với để cells khi chưa đậy kính. Lý do là ánh sáng bị tổn hao do phản xạ khi đi qua các bề mặt: mặt trên kính, mặt dưới kính, bề mặt cell. Khi có thêm keo EVA nóng chảy thì sẽ không còn các bề mặt phản xạ nữa và môi trường gần như đồng chất đến tận cells nên phần tổn hao rất nhỏ (chỉ khoảng 2-4%). Vì vậy phải nói là EVA làm tăng công suất chứ không phải giảm công suất của tấm Pin. Nếu khò keo EVA chưa kỹ thì phần tổn hao hơn nhưng công suất vẫn hơn nhiều so với không có EVA. Ngoài ra do chỉ khoảng 70 độ là EVA đã mềm và tbong ra, khoảng 130-140 độ thì chảy thành nước nên nếu khò không kỹ thì Pin phơi nắng mùa hè EVA cũng tự chảy và bong được.

- Chống tác động của môi trường: Do keo bao bọc kín vào cells rồi nên ẩm, hơi nước ... không thể lọt vào gây hỏng cell. Ngoài ra EVA còn có tác dụng chống tia UV chiếu vào cells gây suy giảm công suất.

- Độ bền trên 20 năm: Keo EVA có độ xuyên sáng rất cao và không bị suy giảm theo thời gian. Ngoài ra keo còn là loại keo mềm đàn hồi như cao su nên không lo về vấn đề dãn nở. Độ bền của loại keo EVA dùng trong năng lượng mặt trời là hơn 20 năm và cũng chính nhờ EVA mà các tấm PIN NLMT có tuổi thọ rất dài thường trên 20 năm. Vì tấm PIN mặt trời luôn luôn đặt trên mái nhà có môi trường khắc nghiệt, nhiều bạn sử dụng loại keo khác thay thế hoặc không có keo chỉ một thời gian ngắn tấm PIN đã hỏng.

Kính: 

Mặt trên nên dùng kính cường lực 4mm để đề phòng mưa đá. Mặt dưới có thể dùng kính thường hoặc dán đề can. Ưu điểm của dùng 2 lớp kính là độ bền có khả năng cao hơn đề can, tuy nhiên kính lại giữ nhiệt nên sẽ làm giảm hiệu suất của Pin. Ngoài ra nếu làm 2 tấm kính thì khi mang vác rất nặng, nếu làm có lỗi gì rất khó cậy ra để sửa. Các tấm Pin nhà máy mặt dưới cũng sử dụng vật liệu nhựa TPT gần như đề can nhưng dầy hơn.

Một số video hướng dẫn cách tự làm Tấm Pin năng lượng mặt trời (Phiên bản Tiếng Anh)

Cách hàn

 

Phần 1/3

 

Phần 2/3

Phần 3/3

07/04/2014